PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ ĐÔNG - HÀ NỘI
TRƯỜNG MẦM NON HÀ TRÌ
Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp khá cao, chủ yếu lây lan theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của bé. Bên cạnh đó, vào mùa hè, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều tác nhân gây tiêu chảy xâm nhập vào cơ thể trẻ và bùng phát thành dịch. Trẻ bị mắc bệnh sẽ đi đại tiện nhiều lần, kèm theo sốt cao, đầy bụng, kém ăn hoặc bỏ ăn, nôn trớ kéo theo đó là triệu chứng đổ mồ hôi lạnh, lừ đừ, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ nhanh chóng bị mất nước, điện giải (môi khô, mắt trũng, khát nước), suy tuần hoàn, truỵ tim mạch thậm chí tử vong nhanh nếu không được cứu chữa kịp thời.
Để nâng cao công tác phòng và chống căn bệnh này, cha mẹ cần cần lưu ý những điều dưới đây:
Đẩy mạnh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thật tốt, không gian sống đảm bảo trong lành, thoáng mát, sạch sẽ. Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với vùng có dịch.
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ: Tác nhân gây tiêu chảy chủ yếu là theo đường ăn uống nên cha mẹ cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ, nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, chỉ sử dụng thực phẩm tươi mới, không cho trẻ tập trung ăn uống nơi đông người tránh việc lây lan bệnh …
Tiêm vắc xin: Tiêm vắc xin phòng tiêu chảy cấp cho trẻ theo đúng quy định, thường xuyên cho trẻ đi khám sức khỏe kiểm tra định kỳ, thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường về tiêu chảy cấp và các vấn đề đường tiêu hóa khác để chăm sóc kịp thời.
Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh tiêu chảy, ba mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và được hướng dẫn điều trị kịp thời, qua đó tránh được những biến chứng nguy hiểm. Trẻ mắc bệnh tiêu chảy cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng nước và hệ vi sinh đường ruột. Nên cho trẻ ăn các món ăn dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như súp, cháo; Uống nhiều nước. Cần tránh các loại nước giải khát có gas, nước ép trái cây quá ngọt gây đầy bụng; Uống dung dịch Oresol để bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân, pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc.
Ba mẹ cần lưu ý: tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy, hoặc ăn lá ổi, hồng xiêm xanh... khiến các chất thải dễ ứ đọng lại đường tiêu hóa dẫn đến bệnh kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tác giả: Mầm non Hà Trì
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn